Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật là nghiên cứu chuyển động giá của một cặp tiền Forex hoặc CFD một tài sản cụ thể để tìm ra một số dấu hiệu về xu hướng giá trong tương lai. Về cơ bản, mục tiêu của phân tích kỹ thuật là dự báo biến động giá trong tương lai bằng cách quan sát những thay đổi cung và cầu trong quá khứ, vì những thay đổi này sẽ được phản ánh trong biến động giá của một tài sản theo thời gian.
Các nguyên tắc cơ bản của phân tích kỹ thuật
Thị trường phản ánh mọi yếu tố
Các nhà phân tích kỹ thuật giả định rằng, tại bất kỳ thời điểm nào, giá cổ phiếu phản ánh mọi yếu tố có thể ảnh hưởng đến một cặp tiền tệ hoặc CFD một tài sản nhất định – bao gồm các yếu tố cơ bản. Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng các yêu tố cơ bản của một công ty, cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô và tâm lý thị trường, đều được phản ánh vào giá. Do đó, họ chỉ cần phân tích biến động giá là đủ.
Giá biến động theo xu hướng
Trong phân tích kỹ thuật, biến động giá được cho là đi theo xu hướng. Điều này có nghĩa là sau khi một xu hướng đã được hình thành, nhiều khả năng chuyển động giá trong tương lai sẽ cùng chiều với xu hướng hơn là ngược lại. Hầu hết các chiến lược giao dịch kỹ thuật đều dựa trên giả định này.
Lịch sử có xu hướng lặp lại
Một nền tảng quan trọng khác trong phân tích kỹ thuật là: lịch sử thường lặp lại theo các mô hình quen thuộc và khá dễ đoán. Những mô hình này, được tạo ra bởi các chuyển động giá, được gọi là tín hiệu. Mục tiêu của nhà phân tích kỹ thuật là phát hiện ra các tín hiệu của thị trường hiện tại và mở hoặc đóng các vị thế phù hợp.
Mọi thông tin đều được thể hiện trong biểu đồ
Giá phản ánh tất cả các thông tin liên quan – đó là nguyên tắc cơ bản nhất trong phân tích kỹ thuật. Do đó, các yếu tố cơ bản của một công cụ tài chính không cần thiết phải được đưa vào phân tích. Logic cơ bản ở đây là hầu hết các chuyển động giá đều do con người tác động, do đó tất cả các biến số của thị trường đều được phản ánh trong chuyển động giá. Và, vì con người là sinh vật hình thành thói quen nên một số mô hình nhất định có xu hướng lặp lại trên thị trường.
Đồ thị giá
Các nhà giao dịch phân tích kỹ thuật dựa vào đồ thị giá, đồ thị khối lượng giao dịch và các công cụ trực quan khác thể hiện dữ liệu thị trường – hay còn được gọi là chỉ báo – để thử và dự đoán các điểm vào lệnh và thoát lệnh lý tưởng cho các vị thế của họ. Một số chỉ báo có thể giúp nhà giao dịch xác định xu hướng, trong khi những chỉ báo khác có thể xác định sức mạnh và tính bền vững của xu hướng theo thời gian. Các loại đồ thị phổ biến nhất bao gồm:
— Đồ thị nến
Thay vì biểu diễn bằng đồ thị cột đơn giản, mỗi thanh nến hiển thị mức giá cao nhất, giá thấp nhất, giá mở cửa và giá đóng cửa trong khoảng thời gian mà nó thể hiện. Mô hình nến là loại đồ thị phổ biến nhất vì chúng cung cấp nhiều thông tin và chi tiết hơn cho các nhà giao dịch.
– Đồ thị cột
Đây là loại đồ thị phổ biến nhất biểu diễn hành động giá. Mỗi cột đại diện cho một khoảng thời gian – một “khoảng thời gian” ngắn nhất là 1 phút hoặc dài nhất là một tháng. Nhìn tổng thể trong một giai đoạn, đồ thị cột thể hiện các mô hình giá riêng biệt.
– Đồ thị đường
Đồ thị đường là loại đồ thị đơn giản nhất. Nó đại diện cho một đường cong thể hiện giá đóng cửa trong một khoảng thời gian nhất định. Đồ thị đường cũng có thể biểu diễn dữ liệu giá trung bình, giá mở cửa, giá thấp nhất hoặc giá cao nhất.
Xác định xu hướng
Các nhà giao dịch sử dụng đồ thị để phát hiện các mô hình giá – về cơ bản chúng thể hiện sự hình thành thị trường hoặc “tâm lý” của thị trường. Nhà giao dịch tìm cách nhận diện tâm lý hiện tại của thị trường và, quan trọng hơn, nó sẽ kéo dài trong bao lâu. Để giúp xác định các mô hình xu hướng này, BDSwiss cung cấp cho các nhà giao dịch nhiều công cụ đồ thị, bao gồm các đường hỗ trợ và kháng cự đơn giản cho đến vô số các chỉ báo kỹ thuật được thể hiện trực tiếp trên đồ thị trong thời gian thực.
Sử dụng các chỉ báo kỹ thuật
Thông thường, trong phân tích kỹ thuật, các nhà giao dịch nghiên cứu đồ thị giá với sự trợ giúp của nhiều công cụ khác nhau, bao gồm các chỉ báo. Chỉ báo kỹ thuật là các tiện ích bổ sung được thiết kế dành cho nền tảng giao dịch để xử lý và hiển thị thông tin về biến động giá thực hoặc dự báo biến động giá trong tương lai nhằm hỗ trợ công việc dự báo giá.
Các loại chỉ báo kỹ thuật
Các chỉ báo có thể được chia thành ba loại khác nhau với các đặc điểm chung. Chúng bao gồm chỉ báo giá, chỉ báo khối lượng giao dịch và chỉ báo dao động (osillator). Các chỉ báo giá giúp bạn đánh giá xu hướng chuyển động giá một cách tổng thể. Các chỉ báo khối lượng giao dịch giúp đánh giá tâm lý thị trường. Các chỉ báo dao động có thể giúp bạn xác định mức độ thay đổi của xu hướng chung.
Nền tảng của phân tích kỹ thuật là hàng trăm chỉ báo kỹ thuật giúp nhà giao dịch xây dựng chiến lược đầu tư. Vì lý do đó, phân tích kỹ thuật trở thành một lĩnh vực rộng lớn và đa dạng. Các nhà giao dịch có thể thử nghiệm với các chỉ báo khác nhau và cuối cùng lựa chọn một chiến lược giao dịch cụ thể, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là không có chỉ báo đơn lẻ nào có thể giúp bạn đưa ra quyết định toàn diện.